Dầu, vàng đã qua thời 'sexy'


Khủng hoảng tại eurozone và mối lo về tăng trưởng kinh tế thế giới là nguyên nhân khiến các loại hàng hóa như vàng, dầu bớt "gợi cảm" trong mắt các nhà đầu tư.

Thị trường hàng hóa đang đứng trước nguy cơ mất giá hàng loạt như những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008. Thực tế thì giá các mặt hàng này đều đã sụt mạnh, dòng tiền dần rút khỏi thị trường khiến các nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về cái gọi là vòng xoáy siêu nhiên mà theo đó giá chỉ tăng và tăng nhờ đà tăng trưởng thần tốc của kinh tế Trung Quốc.

Trong bản báo cáo ngắn, Jonathan Whitehead, Giám đốc phụ trách hàng hóa toàn cầu của hãng Société Générale, nhận định: “Giờ đây, dầu và vàng không còn là những kênh đầu tư sexy như quá khứ”.
Phần lớn các nhà đầu tư đều cho rằng, khủng hoảng khu vực Eurozone và những mối lo về tăng trưởng kinh tế thế giới là nguyên nhân khiến 8,2 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường hàng hóa hồi tháng 5, theo số liệu của Ngân hàng Barclays.
Tất nhiên, lượng hàng hóa đã bị bán tháo này, dù gần cao kỷ lục, nhưng cũng chỉ chiếm 2% trên tổng danh mục đầu tư. Vì thế mà nhiều chuyên gia phân tích tin sẽ không có chuyện nhà đầu tư rút sạch khỏi thị trường hàng hóa.
Theo các nhà đầu tư, khủng hoảng châu Âu là nguyên nhân khiến 8,2 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường hàng hóa. Ảnh: Telegraph

Hồi 2008, đầu tư hàng hóa vẫn còn là lĩnh vực hết sức mới mẻ với nhiều nhà đầu tư tổ chức. Nhưng nay, thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn và họ tạo thêm áp lực trong việc phân bổ dòng tiền cho từng loại hàng hóa. Cuộc suy thoái cũng khiến khẩu vị đầu tư của họ thay đổi ít nhiều. Họ vẫn tích cực tìm cách đầu tư những loại hàng hóa đang xuống giá thê thảm, miễn là khoản đầu tư đó mang lại lợi nhuận cao.
Các năm về trước, đa số quỹ hưu trí dùng tiền vốn của mình để đầu tư dài hạn vào các chỉ số như S&P GSCI hay DJ – UBS, theo dõi các rổ hàng hóa trong tương lai, đồng thời chỉ bỏ thêm vốn nếu thấy giá lên theo tháng. Ngày nay, họ tiếp cận những chỉ số này một cách tích cực hơn, thậm chí hoạt động trên cả quỹ đầu cơ lãi suất cao hay một số thị trường đang trong xu thế giảm.
Simon Fox, Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty tư vấn Mercer, London, cho rằng sẽ là thụ động nếu nhà đầu tư rót tiền cho một số quỹ, sau đó chỉ ngồi theo dõi biến động giá thông qua các chỉ số. Đây không còn là một cách làm hiệu quả để tiếp xúc với các mặt hàng, Fox chia sẻ.
Thêm vào đó, nhiều người đang đầu tư vào nông sản và các công ty về tài nguyên thiên nhiên, được xem là một xu hướng với tiềm năng phát triển mau chóng. ABP và PGGM, quỹ hưu trí hàng đầu Hà Lan đi tiên phong trong lĩnh vực hàng hóa hồi đầu những năm 2000 là ví dụ cụ thể của xu thế này.
Olav Houben, Giám đốc phụ trách khối hàng hóa tại APG, đồng thời quản lý quỹ hưu trí ABP, cho biết mặc dù lợi ích từ việc đầu tư hàng hóa không còn lớn như trước đây, các loại tài sản vẫn vô cùng hấp dẫn như một cách phòng ngừa lạm phát và tăng trưởng trong dài hạn về nhu cầu nguyên liệu.
Tuy nhiên, ông Houben cũng thừa nhận về sự thay đổi. Những chỉ số thụ động đã phải nhường ngôi cho những chỉ số mới, phức tạp hơn. Không chỉ vậy, nhiều nhà quản lý cũng đang bị thu hút bởi những tài sản từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, than đá, dầu và gas.
PGGM, quỹ hưu trí quản lý lượng tài sản lên tới 125 tỷ euro, cũng dần chuyển dịch xu hướng tập trung vào những hàng hóa loại mới. Họ phân bổ 10% tài sản trên tổng danh mục hàng hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư trực tiếp vào đất cùng kinh tế tại khu vực Đông Âu và châu Mỹ La Tinh.
Đại diện PGGM cho biết, đầu tư vào đất nông nghiệp hấp dẫn do “mức tương quan dự kiến là thấp giữa lợi nhuận và tài sản. Không chỉ vậy, tiềm năng của nó đối với các dòng tiền cũng ổn định hơn cho các nhà đầu tư.”
Nhiều ngân hàng phố Wall cũng đưa ra đề nghị về thế hệ sản phẩm mới được gọi là những chỉ số “năng động”, có thể chuyển đổi cổ phần họ nắm giữ theo biến động thị trường. Những đơn vị này cũng hợp tác với một số nhà kinh doanh như Glencore hoặc quỹ đầu tư như Capital Clive, nhằm cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư khai thác thông tin thị trường một cách thông minh.
Chẳng hạn, sản phẩm của Credit Suisse – Glencore có thể theo dõi 20 loại hàng hóa, từ dầu Brent tới than đốt và đường. Hàng tháng, Glencore sẽ gợi ý những thay đổi trên từng loại mặt hàng, dựa trên sự quan tâm từ các nhà đầu tư trực tiếp trên thị trường.
So sánh với S&P GSCI, kể từ đầu năm, chỉ số này đã bị rơi 5%, trong khi đó Credit Suisse – Glencore Index tăng 0,9%. Ngân hàng Credit Suisse cho biết, họ thậm chí còn nhìn thấy bước nhảy vọt lên tới 30% lượng tài sản kể hồi đầu năm.
“Khách hàng giờ đây rất hiểu biết và có nhận thức rõ ràng”, Kamal Naqvi, Giám đốc hàng hóa khối bán hàng tại Credit Suisse chia sẻ, “Chúng ta đang nhìn thấy xu thế tăng từ định lượng tới hiệu quả chiến lược.”
Tường Vi (theo Financial Times)